Khó khăn trong tự nguyện xét nghiệm: Trẻ nhiễm HIV bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm

VHO- Với trẻ chưa đủ 15 tuổi, việc tự nguyện xét nghiệm HIV chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện. Thực tế, nhiều gia đình không chấp nhận việc con mình bị nhiễm HIV, nên không ít trẻ bị chậm trễ khi tiếp cận các dịch vụ và sự hỗ trợ cấp thiết.

Khó khăn trong tự nguyện xét nghiệm: Trẻ nhiễm HIV bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm - Anh 1

 BSCK I Cao Thanh Việt khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV

 Theo báo cáo của Trung tâm y tế TP Rạch Giá (Kiên Giang), số lượng người nhiễm HIV/AIDS tại đây cao nhất tỉnh, lũy tích số phát hiện nhiễm HIV là 1.891 người, bệnh nhân AIDS là 1.047 người, tử vong 508 người; số bệnh nhân HIV/AIDS còn sống là 1.391 người và số đang được quản lý chiếm 67% (khoảng 932 người).

BSCK I Cao Thanh Việt, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trưởng phòng khám ngoại trú HIV/AIDS (Trạm Y tế TP Rạch Giá) cho biết, phân tích các trường hợp được phát hiện nhiễm mới HIV năm 2022, tỷ lệ nữ chỉ chiếm gần 17%, trong khi nam là hơn 83%. Trong đó, lây truyền qua đường tình dục chiếm 79%, qua đường máu chỉ có 6%, không rõ nguyên nhân khoảng 15%. Nguyên nhân lây truyền qua đường tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn giữ tỷ lệ ổn định, ngược lại tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM). Điều đặc biệt, trong số người nhiễm mới có vài trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.

Em N.V.T (mới gần 14 tuổi, TP Rạch Giá, Kiên Giang), rất hoang mang, sợ hãi khi người bạn đồng tính gọi điện thông báo đã bị nhiễm HIV và khuyên em nên đi xét nghiệm. T tự mua que thử trên mạng về test thì cho kết quả dương tính.

Chia sẻ về trường hợp này, anh Danh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội The Sun Việt Nam (Trưởng nhóm CBO phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng) cho biết: “T gọi điện thoại cầu cứu trong trạng thái rất lo lắng, hoảng sợ. Chúng tôi đã phải trấn an bằng cách nói với cậu ấy rằng, có thể que test mua trên mạng chất lượng không tốt, kết quả có thể bị sai. Để có kết quả chính xác thì phải đến cơ sở y tế. Vì T chưa đủ 15 tuổi, chưa đủ tuổi được tự nguyện đi xét nghiệm nên chúng tôi khuyên em phải báo với gia đình. Nhưng T nói, gia đình mà biết thì em càng sợ hơn. Do đó, T đã cho điện thoại của mẹ để chúng tôi liên hệ”, Danh Tùng kể.

Tuy nhiên, khi Trưởng nhóm CBO gọi điện cho mẹ T để thông báo thì bà nhất quyết từ chối, phủ định con mình không làm gì để lây nhiễm HIV. Bà mẹ và gia đình không biết rằng, T vì tò mò mà lên mạng và đã bị dụ dỗ quan hệ tình dục đồng giới nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo chia sẻ của T, bố mẹ em đều làm ở cơ quan nhà nước và họ cứ nghĩ con cái được quan tâm, dạy dỗ chu đáo thì khó có thể vướng vào tệ nạn xã hội để nhiễm HIV. “T cho biết, chỉ quan hệ đúng một lần và sau khi thông báo bị nhiễm HIV, người kia cũng cắt đứt liên lạc với cậu và không gặp lại nữa. Chúng tôi đã gọi điện 2-3 lần để thuyết phục mẹ cậu nhưng đều không thành công. Vì thế, tôi đành gửi que test để em tự xét nghiệm tại nhà, và vẫn cho kết quả dương tính. Đến hơn một năm sau, T đủ tuổi để tự nguyện xét nghiệm và có thông báo cho tôi về kết quả nhiễm HIV. Nhưng sau đó bạn ấy chủ động cắt đứt liên lạc nên chúng tôi cũng không biết T có được điều trị ARV hay không”, Danh Tùng cho hay.

Quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi năm 2020 nêu rõ: “Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV”. Trước đây, Khoản 2 Điều 27 Luật năm 2006 yêu cầu, để được tự nguyện xét nghiệm HIV thì người này phải từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự.

Luật mới có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 đã giảm độ tuổi được yêu cầu tự nguyện xét nghiệm HIV so với quy định trước đó. Cũng theo Luật mới, trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị. Với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được xét nghiệm HIV khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay. Rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm. Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ hoặc người giám hộ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm. Vì vậy, việc được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV sẽ bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay.

Tuy nhiên, với tốc độ lây lan HIV nhanh trong giới trẻ MSM, trẻ dưới 15 tuổi đang có nguy cơ bị trì hoãn điều trị thuốc ARV sớm từ rào cản của gia đình, như trường hợp của em N.V.T nêu trên. Hiện nay, những cậu bé MSM chỉ ở ngưỡng 14-16 tuổi, dễ bị dụ dỗ, lừa gạt trở thành miếng mồi ngon của các “chợ tình online” có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Các em có thể đánh mất cả tương lai chỉ vì sự thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, đòi hỏi cần có những quy định mới để trẻ không bị lỡ cơ hội tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế được cấp phép. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc